Tìm nguyên nhân gây nóng máy động cơ ô tô
Trong quá trình sử dụng, xe ô tô thường gặp hiện tượng nóng máy ở động cơ. Nếu không kịp thời xử lý hoặc tự ý xử lý sai quy cách sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chiếc xe của mình.
Bài viết dưới đây CPA sẽ cũng cấp cho ban đọc một số nguyên nhân dẫn đến nóng máy động cơ, để các bạn có cách xử lý phù hợp.
Do điều chỉnh sai thông số kỹ thuật
Đối với động cơ xăng, thời điểm đánh lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí đóng vai trò quyết định đến công suất của động cơ. Hệ thống nhiên liệu của động cơ xăng có chức năng điều chỉnh tỷ lệ xăng – không khí để có được khí hỗn hợp tối ưu cho mọi chế độ làm việc khác nhau của động cơ. Tỉ lệ xăng – không khí chuẩn là 1/15, tức là để đốt cháy hết 1 gam xăng thì cần 15 gam không khí .Vì vậy để động cơ hoạt động tối ưu thì thời điểm đánh lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí phải được điều chỉnh đúng theo yêu cầu kĩ thuật của nhà sản xuất.
Đối với xe có sử dụng bộ chế hòa khí, nguyên nhân nóng máy động cơ là do việc điều chỉnh thời điểm đánh lửa và tỷ lệ hỗn hợp khí trong các hoạt động như không tải, tăng tốc... không đúng với yêu cầu kĩ thuật của xe.
Đối với xe sử dụng hệ thống phun xăng điện tử, việc xe ô tô của bạn bị tắc vòi phun, hỏng bộ điều áp, hư hỏng bộ cảm biến, các đầu nối ống xăng bị hở làm cho lượng xăng phun ra không yêu cầu về lưu lượng và áp suất phun cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng nóng máy.
Đối với động cơ Diesel, hiện tượng nóng máy và khói đen bay ra do bơm cao áp không được điều chỉnh về đúng thời điểm và lưu lượng phun.
Do quá trình vận hành và sử dụng
Trong quá trình sử dụng, những xe ô tô mà chủ xe không kiểm tra, bảo dưỡng các phụ tùng ô tô theo đúng định kỳ sẽ dễ dàng bị nóng máy động cơ hơn các chủ xe thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe. Cụ thể:
Hệ thống bôi trơn dùng không đúng loại dầu bôi trơn, thiếu dầu bôi trơn hoặc dầu bôi trơn đã lão hoá vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ của hệ thống bôi trơn.
Với những xe chở quá tải mà khi leo dốc cũng thường làm nước làm mát trong hệ thống làm mát sôi “sùng sục”. Hãy chú ý đến nguyên nhân này bởi vì nếu xe chở quá tải không những ảnh hưởng đến hệ thống làm mát mà còn gây ra hư hỏng ở nhiều cụm chi tiết khác. Khi gặp trường hợp nước sôi phải dừng xe nhưng không được tắt máy mà phải chạy ralăngti chừng 10 phút mới tắt máy.
>> Xem thêm: Cách pha và thay thế nước làm mát ô tô
Hệ thống làm mát hỏng: Hệ thống làm mát được trang bị trên ô tô có tác dụng thực hiện việc truyền nhiệt nhanh từ khí cháy đến môi chất làm mát để đảm bảo các chi tiết có chế độ nhiệt tối ưu khi làm việc, tránh hiện tượng bị bó kẹt, bị cháy hỏng hoặc giảm tính năng cơ lý. Hệ thống này có ít bộ phận hơn và công việc bảo trì cũng khá đơn giản nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ thì hậu quả khó lường với chiếc xe của bạn. Cường độ làm mát phải đảm bảo không để các chi tiết của động cơ quá nóng và quá nguội.
Vì vậy, nếu hệ thống làm mát hỏng mà không được khắc phục thì rất có thể sẽ dẫn đến phá hủy các chi tiết quan trọng trong động cơ. Đây cũng là một trong những hư hỏng “nguy hiểm” mà hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu không phát hiện kịp thời. Xin nêu ra một số hư hỏng thường xảy ra đối với hệ thống làm mát trên ôtô.
Do những sự cố ở hệ thống làm mát gây ra nóng máy động cơ
Hệ thống làm mát của xe ô tô có ảnh hưởng rất lớn tới nhiệt độ của động cơ. Nếu như có một bộ phận nào trong hệ thống này bị hỏng sẽ đều ảnh hưởng đến quá trình vận hành của xe. Đây cũng nguyên nhân làm động cơ bị nóng máy. Một số tác nhân làm nóng máy động cơ xuất phát từ hệ thống làm mát cụ thể như sau:
Két nước làm mát quá bẩn, bị tắc
Két nước làm mát là bộ phận làm mát cho động cơ quan trọng. Nó bao gồm nhiều ống dẫn nước dẹt, được bố trí thành nhiều hàng so le nhau trong các lá tản nhiệt. Nếu Két nước làm mát quá bẩn, bị tắc sẽ bị tắc dẫn đến việc tản nhiệt bị hạn chế. Vì vậy chúng ta cần vệ sinh Két nước làm mát thường xuyên để đảm bảo chức năng làm mát được hoạt động một cách tốt nhất.
Quạt gió hỏng
Quạt gió có chức năng tăng tốc độ lưu thông của không khí qua két tản nhiệt. Nếu quạt gió bị hỏng không hoạt động sẽ làm giảm hiệu quả làm mát và gây ra hiện tượng nước sôi gây nóng máy.
Van hằng nhiệt bị kẹt
Van hằng nhiệt điều chỉnh lượng nước đi qua két làm mát theo nhiệt độ của nước làm mát. Khi van hằng nhiệt bị kẹt, nước làm mát sẽ bị tắc cải van làm cho quá trình làm mát của động cơ bị ảnh hưởng.
Gioăng quy lát hỏng
Khi bạn thấy nước làm mát của hệ thống làm mát bị sôi làm cho động cơ bị nóng máy, dầu, khí lọt vào hệ thống là dấu hiệu của Gioăng quy lát đã bị hỏng. Lúc này, bạn cần nhanh chóng tắt máy và đưa xe tới điểm sửa chữa gần nhất để khắc phục.
Để đảm bảo hệ thống động cơ hoạt động ổn định, xe vận hành trơn tru, các bạn cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng, thay mới các chi tiết trên hệ thống làm mát xe ô tô theo đúng định kỳ nhà sản xuất đưa ra.
Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến động cơ xe ô tô bị nóng cần phải khắc phục. Tuy nhiên, chỉ với một số những công cụ đơn giản cộng thêm một chút mồ hôi bạn hoàn toàn có thể tự chăm sóc bảo dưỡng chiếc xe của mình để tránh mất những khoản tiền không hợp lý.